Vật liệu mới: Cỏ năn tượng - đi Tây

Vật liệu mới: Cỏ năn tượng - đi Tây

    Từ loài cây cỏ sống tự nhiên trong vuông tôm, qua bàn tay, khối óc lao động của người dân vùng quê, năn tượng mang hơi thở mới, sức sống mới. Cây năn tượng đã được nâng cao giá trị, trở thành nguyên liệu để đan đát thành những sản phẩm thủ công mỹ nghệ bền, đẹp, được thị trường nước ngoài ưa chuộng và đặt hàng xuất khẩu.

    Cỏ năn tượng "lên đời"

    Cỏ năn tượng mọc tự nhiên hoặc được người dân trồng để tạo môi trường và thức ăn trong nuôi tôm, xuất hiện nhiều ở Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang... Loại cây này phát triển rất nhanh và sống khoẻ quanh năm mà không cần bất kỳ loại phân bón nào. Trước đây, có khi năn tượng phát triển quá nhiều, người dân phải cắt bỏ. Tuy nhiên, hiện nay năn tượng mang về khoản thu nhập kha khá nên ai cũng phấn khởi thu hoạch, phơi khô.

    Trên những cánh đồng, vuông tôm mọc nhiều năn tượng, người dân tranh thủ thu hoạch từ sáng sớm để phơi cho kịp nắng.

    Ông Trần Việt (Ấp 2, xã Khánh An, huyện U Minh) phấn khởi: “Ði cắt năn tượng cũng cực lắm, nhưng được cái là nhiều bà con cho không, mình cắt năn coi như người ta đỡ tốn tiền thuê nhân công cắt bỏ, còn mình thì có năn tượng đem về phơi, cộng với năn tượng trong vuông của mình nữa. Nếu 1 công năn tượng cắt lên được 10 tấn năn tượng tươi, đem phơi khô có thể được hơn 1 tấn, bán 5-6 triệu đồng. Ðây là khoản thu nhập rất khá cho nông dân chúng tôi”.

    Người mang tiềm năng về loài cỏ dại này thành sản phẩm thủ công mỹ nghệ là anh Nguyễn Trường Giang (xã Trí Phải, huyện Thới Bình). Anh Giang đã mạnh dạn làm đầu mối khai thác và thu mua năn tượng của bà con nông dân khắp các nơi trong tỉnh Cà Mau, giao cho công ty gia công sản phẩm.

    Năn tượng sau khi thu hoạch sẽ được đem phơi cho khô ráo.
    Trung bình 7-8 kg năn tượng tươi sau khi phơi sẽ thu được 1 kg năn tượng khô.

    Anh Giang cho biết: “Cỏ năn tượng không còn xa lạ với bà con nuôi tôm ở Cà Mau. Nhận thấy tiềm năng từ loại cây cỏ này và Cà Mau là vùng nguyên liệu năn tượng rất lớn nên tôi đã liên kết với công ty chuyên làm những sản phẩm đan đát mỹ nghệ, để thu mua năn tượng của bà con, rồi giao nguyên liệu cho công ty. Năn tượng có ưu điểm dai, chắc, sợi nhỏ nên có thể đan những sản phẩm như túi xách, nón thời trang và sản phẩm trang trí, được thị trường nước ngoài rất ưa chuộng. Trong tháng này chúng tôi thu mua được khoảng 50 tấn để cung cấp về công ty. Với mong muốn góp phần tạo thêm việc làm và thu nhập cho bà con tại quê hương mình, tôi đã đề xuất công ty đến Cà Mau mở lớp dạy nghề đan đát ngay tại vùng nguyên liệu ở địa phương”.

    Ðể thuận tiện cho việc thu gom nguồn nguyên liệu, anh Giang liên kết với người dân mở đại lý thu mua ở mỗi khu vực có nguồn năn tượng dồi dào. Hiện nay, không chỉ huyện Thới Bình, U Minh mà anh Giang còn mở rộng ra các huyện như: Cái Nước, Phú Tân để khai thác nguồn nguyên liệu thiên nhiên này. Từ đó đem lại nguồn thu đáng kể cho nông dân.

    Là một đại lý thu mua năn tượng (ấp Nhà Máy B, xã Tân Phú, huyện Thới Bình), anh Phạm Văn Ghép hy vọng: “Tại đây có nguồn nguyên liệu rất lớn. Nếu được phía công ty và chính quyền địa phương hỗ trợ đào tạo nghề đan đát sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ năn tượng cho bà con nơi đây thì sẽ giảm chi phí vận chuyển, giá thành sản phẩm phải chăng, sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường, đặc biệt có triển vọng xuất khẩu. Và tôi nghĩ đây cũng là tiềm năng phát triển du lịch trải nghiệm trong tương lai ở Cà Mau”.

    Biến cỏ hoang thành sản phẩm mỹ nghệ đi Tây

    Ngoài giỏ có quai, Tổ hợp tác đan đát mỹ nghệ Tân Hương Bình còn sáng tạo thêm các sản phẩm nón, túi xách, bình hoa đan từ năn tượng rất đẹp mắt. Ảnh: NM

    Với nguồn nguyên liệu dồi dào từ cỏ năn tượng, anh Nguyễn Trường Giang (xã Trí Phải, huyện Thới Bình) đã về quê hương khởi nguồn, liên kết với Công ty MCF Việt Nam, biến một loại cây cỏ không có giá trị kinh tế, cứ ngỡ bỏ đi, trở thành những sản phẩm thủ công mỹ nghệ bền, đẹp, không chỉ thiết thực với cuộc sống, thân thiện môi trường mà còn góp phần mang lại thu nhập, cải thiện đời sống cho bà con nông dân vùng nông thôn.

    Anh Nguyễn Trường Giang - Đại diện Công ty Cổ phần MCF Việt Nam tại Cà Mau, chia sẻ: “Người dân ở vùng này sống chủ yếu nhờ vuông tôm. Mà hầu như miếng vuông nào cũng có năn tượng. Vì năn tượng tạo nguồn thức ăn và cải thiện môi trường sống, giúp tôm trong vuông phát triển, nên những năm gần đây năn tượng còn được trồng tốt và lớn hơn năn mọc tự nhiên. Từ đó cho thấy tiềm năng lợi thế rất lớn của nguồn nguyên liệu này tại Cà Mau, cũng như hướng phát triển nghề đan đát, giúp cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống người dân ở vùng nông thôn”.

    Với mong muốn tạo việc làm, tăng thu nhập cho bà con nông dân tại quê nhà, anh Giang đã liên kết với công ty mở các lớp dạy nghề đan năng tượng, thu hút nhiều người tham gia học và truyền nghề cho nhau. Hiện đã thành lập được 10 tổ đan ở các xã trong huyện Thới Bình, đan theo các mẫu và số lượng công ty giao, nên tạo được công việc thường xuyên, ổn định. Lớp học thu hút rất nhiều người tham gia, không chỉ có phụ nữ mà đàn ông, người lớn tuổi ở nông thôn đều có thể tận dụng thời gian nhàn rỗi để kiếm thêm thu nhập, nhưng cũng phải đảm bảo đúng tiến độ thời gian giao hàng và đúng mẫu mã, từ đó trách nhiệm và tay nghề của mỗi người cũng được nâng lên.

    “Trung bình 7-8 kg năn tươi sau khi phơi sẽ thu được 1 kg khô, bán cho đại lý với giá 7.000 đồng/kg.  Bà con nào nhà không có năn thì mua lại của những hộ có năn hoặc đại lý để về nhà tự đan, được trả công với giá từ 20.000-22.000 đồng/sản phẩm. Bà con nào có năn tượng, tự cắt phơi khô và có nhu cầu đan thành sản phẩm thì công ty sẽ tính giá năn khô là 10.000 đồng/kg, nên sản phẩm đan xong sẽ được trả 29.000 đồng/sản phẩm. Những mẫu sản phẩm tuyển chọn từ cây năn dưới 6 tháng tuổi, nên sợi năn sau khi phơi khô sẽ đạt chất lượng về độ dai, dễ đan, màu sắc sáng đẹp, có độ thẩm mỹ cao hơn, được thị trường nước ngoài ưa chuộng và đặt hàng”, anh Giang thông tin.

    Chị Trần Thanh Thuý (ấp Nhà Máy B, xã Tân Phú) phấn khởi: “Trung bình mỗi sản phẩm đan từ 3-4 tiếng đồng hồ. Nếu lành nghề thì mỗi chị có thể kiếm được từ 100.000 đồng/ngày. Đa số chị em ở nông thôn chỉ có nội trợ, không có công việc gì làm nên nghề đan năn tượng này sẽ giúp chị em có thêm thu nhập cho gia đình lúc nhàn rỗi”.

    Bà Nguyễn Thị Chiến (Ấp 9, xã Thới Bình) ngoài 50 tuổi mà đôi tay vẫn còn thoăn thoắt, khéo léo đan những chiếc giỏ từ năn tượng rất đều, đẹp. “Người lớn tuổi vẫn có thể đan được, vì không quá cầu kỳ chi tiết, các công đoạn cũng nhẹ nhàng và dễ làm. Vì đam mê nên tui học đan chừng 3-4 ngày là làm thuần thục, có thể đan từ 20-30 sản phẩm/tuần. Sau khi lo cơm nước, heo, gà, vịt xong, có thời gian rảnh thì đan. Công việc cũng nhẹ nhàng mà có thể kiếm thêm tiền cho cháu đi học và chi phí sinh hoạt hàng ngày. Đàn ông cũng làm được luôn, chồng tôi mê làm lắm, xong công việc ngoài vuông tôm là phụ đan cũng gần một nửa số giỏ”, bà Chiến chia sẻ.

    Chị Dương Thị Bé Tư - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ Ấp 9, xã Thới Bình, thông tin: “Sau khi tham gia lớp dạy nghề và đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của hội viên, ấp đã thành lập tổ đan đát mỹ nghệ Tân Hương Bình, thu hút 25 hội viên nữ tham gia, đan đát các sản phẩm từ năn tượng. Khung, nguyên liệu có sẵn từ đại lý, chỉ đem về, tranh thủ công việc nhà xong đan theo số lượng đơn đặt hàng. Công việc không quá nặng nhọc, rất phù hợp với phụ nữ và người dân ở nông thôn, nên ai cũng nhanh thành thạo công việc và mẫu mã, chất lượng sản phẩm cũng đạt chuẩn, được công ty đánh giá cao”.

    Từ loài cây cỏ dân dã tự nhiên, giờ đây, năn tượng trở nên hữu dụng, thân quen với người dân nơi đây, được người làm nghề khéo léo kết dây, thổi hồn trở thành những sản phẩm thủ công mỹ nghệ không chỉ bền, đẹp, mà còn thân thiện với môi trường, mang lại hiệu quả thiết thực, giúp phụ nữ nông thôn có thêm công việc, thêm niềm vui cuộc sống.

    Với sự năng động, sáng tạo và cần cù của người dân lao động, cùng sự nhạy bén với thị trường của người tiên phong, nếu biết tận dụng và phát triển đúng định hướng, năn tượng sẽ trở thành loại cây mang lại cuộc sống ấm no cho người dân lao động vùng nông thôn.

    Nguồn: Báo Cà Mau

    Zalo
    Hotline