Hi vọng từ thị trường nội thất Hoa Kỳ

Hi vọng từ thị trường nội thất Hoa Kỳ

     

    Doanh nghiệp Việt Nam kỳ vọng thị trường Mỹ sẽ phục hồi xuất khẩu vào nửa cuối năm 2023.

    CÁI KHÓ ĐÃ QUA

    Tính đến hết 11 tháng năm 2022 ước kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ đạt trên 7,8 tỷ USD tăng 3% so với cùng kỳ 2021. Do lạm phát tại Hoa Kỳ khiến tình hình xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường này sụt giảm nghiêm trọng trong quý III/2022. Cụ thể, trong tháng 8 năm 2022 kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ sang Hoa Kỳ đạt 670 triệu USD. Tuy nhiên kim ngạch trong tháng 10 chỉ đạt 561 triệu USD.

    Ông Nguyễn Liêm - Hiệp hội chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA), đánh giá, nếu thời gian trước, lãi suất cho vay mua nhà của Hoa Kỳ chỉ khoảng 2 - 2,5%, nhưng hiện nay lên 6 - 7%, người dân sẽ không vay để mua nhà. Đối với các nhà đầu tư xây dựng, bất động sản họ cũng không dám vay để xây dựng. Điều này đồng nghĩa với nhu cầu về đồ gỗ nội thất sẽ giảm.

    “Thói quen tiêu dùng của người Hoa Kỳ đó là một sản phẩm họ chỉ sử dụng ít năm rồi thay đồ mới. Nhưng hiện nay, chi phí sinh hoạt tăng, do đó, đồng tiền họ kiếm được sẽ phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng hàng hóa thiết yếu chứ họ không chi tiêu vào việc mua sắm và thay mới đồ gỗ nội thất”, ông Nguyễn Liêm chia sẻ.

    Ông Nguyễn Sỹ Hòe - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Phú Tài - một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Hoa Kỳ - nhận định, 6 tháng đầu năm 2022, đa số các doanh nghiệp ngành gỗ đều xuất khẩu rất tốt, tuy nhiên, 6 tháng cuối năm xuất khẩu giảm mạnh, nhất là một số các mặt hàng đồ gỗ ngoài trời. 

    Phân tích nguyên nhân của tình trạng trên, ông Nguyễn Sỹ Hòe nhận định là do hàng tồn kho quá lớn và nhu cầu giảm. Cụ thể, thời điểm đầu năm 2021, chi phí logistics tăng cao, vận chuyển chậm nên nhiều nhà mua hàng chuyển sang cuối năm 2021 và đầu năm 2022 nhập hàng. Sang đầu năm 2022, họ vẫn tiếp tục nhập hàng bình thường, tuy nhiên, thời điểm tháng 4/2022, xung đột Nga - Ukraine xảy ra, giá dầu tăng mạnh, cộng với vấn đề lạm phát dẫn đến người dân giảm mua sắm, hàng tồn tăng lên.

    PHỤC HỒI SẼ TỚI

    Câu hỏi đặt ra là xuất khẩu mặt hàng đồ gỗ nội thất và cụ thể là mặt hàng tủ bếp và tủ nhà tắm sang thị trường Hoa Kỳ có trở lại thời hoàng kim xuất khẩu thời điểm dịch Covid-19? Ông Nguyễn Sỹ Hòe cho rằng, việc này là không. Bởi lẽ, nước Mỹ xây dựng nhà cửa mạnh nhất sau thời kỳ trong năm 2021 và đầu năm 2022. Nguyên nhân do xây dựng của họ bị nén lại năm đầu đại dịch Covid-19. Sau đó, nhu cầu người Mỹ đi làm, di chuyển và thuê nhà tăng cao, dẫn đến nhu cầu xây dựng và nhu cầu đồ nội thất tăng theo.

    Tuy nhiên, từ giữa năm 2022, khi lạm phát tăng mạnh, họ bắt đầu giảm chi phí xây dựng nhà. “Lạm phát làm cho các nguyên vật liệu tăng lên. Mặt khác, lãi suất ngân hàng tăng cao khiến cho họ cũng hạn chế xây dựng vì lợi nhuận thấp; giải ngân vốn cho người đi đầu tư họ cũng tạm dừng”, ông Hòe cho biết.

    Nước Mỹ phụ thuộc vào người mua nhà và thuê nhà. Người mua nhà và thuê nhà họ vẫn dùng tiền vay, lãi suất tăng lên, do đó, họ cũng hạn chế mua mới hay thuê mới. Những lý do này khiến cho xây dựng nhà cửa giảm xuống, bán mới cũng giảm xuống. Dẫn đến nhu cầu về dòng đồ nội thất cũng giảm theo. 

    “Dự kiến phải cuối năm 2023, bức tranh xuất khẩu ngành Gỗ sẽ tươi sáng hơn. Tuy nhiên, trở về mức độ ban đầu đối với hàng xuất đi Mỹ thì cũng không được. Bởi lẽ, xuất khẩu đi Mỹ, thời kỳ bán hàng tốt nhất - thời kỳ đại dịch Covid-19”, ông Nguyễn Sỹ Hòe nhận định.

    Không phải bức tranh xuất khẩu hoàn toàn màu xám. Vẫn có những phân khúc thị trường dù không tăng trưởng cao nhưng vẫn duy trì đơn hàng. Ông Hòe cho hay, đồ nội thất nhà tắm có 2 dòng phân khúc tiêu thụ gồm mua mới và phân khúc thay thế. Về cơ bản, phân khúc giá rẻ sẽ bán kém, còn phân khúc giá cao vẫn bán ở mức độ tốt hơn. Đối với mặt hàng tủ bếp cũng tương tự, họ chỉ giảm xây dựng chứ không phải không xây dựng. Nhà giàu họ vẫn xây và thay mới, nhưng mức mua sắm có giảm đôi chút.

    Theo các chuyên gia, sự sụt giảm xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ là do vấn đề khủng hoảng kinh tế chung. Đây là sự cố chưa từng thấy. Nhưng đây vẫn là một thị trường rất tiềm năng. Tiêu thụ gỗ tại Hoa Kỳ rất lớn. Nếu qua được giai đoạn khó khăn này, thị trường đối với đồ gỗ nội thất tại Hoa Kỳ sẽ rất mở. “Các doanh nghiệp Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội, bởi chúng ta nguồn nguyên liệu tại chỗ, nhân công dễ xoay chuyển, khi thị trường Hoa Kỳ bình thường trở lại thị họ vẫn ưu tiên cho các doanh nghiệp Việt Nam, xuất xứ từ Việt Nam, các doanh nghiệp 100% vốn từ Việt Nam”, ông Nguyễn Sỹ Hòe nhận định.

    Nhìn nhận bức tranh xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ở góc độ tươi sáng hơn, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - đánh giá, trong giai đoạn vừa qua, ngành gỗ đã có bước tiến vượt bậc, xuất khẩu tăng trưởng nhanh và đa dạng các mặt hàng.

    Nhìn nhận bức tranh xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ở góc độ tươi sáng hơn, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - đánh giá, trong giai đoạn vừa qua, ngành gỗ đã có bước tiến vượt bậc, xuất khẩu tăng trưởng nhanh và đa dạng các mặt hàng.

    Nguồn: Gỗ Việt

    Zalo
    Hotline