Ngành gỗ đối mặt với bài toán thiếu vùng nguyên liệu

Ngành gỗ đối mặt với bài toán thiếu vùng nguyên liệu

    Tăng trưởng xuất khẩu cao

    Chiếm 4,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước và khoảng 3% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ toàn cầu, gỗ và sản phẩm gỗ là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

    Từ năm 2004, mặt hàng này đã tham gia “câu lạc bộ” xuất khẩu trên 1 tỷ USD và liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu khá cao. Năm 2021, bất chấp ảnh hưởng của Covid-19, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vẫn đạt 14,809 tỷ USD, tăng 19,7% so với năm 2020, giữ vị trí thứ 6 về kim ngạch xuất khẩu trong các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam và dẫn đầu trong nhóm nông - lâm - thủy sản.

    Đặc biệt, ngành gỗ xuất siêu khá lớn. Năm 2021, ngành gỗ xuất siêu 11,88 tỷ USD; quý I/2022 xuất siêu 3,348 tỷ USD, tăng hơn 250 triệu USD so với cùng kỳ năm trước.

    Hiện nay, gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam có mặt ở 40 thị trường trên thế giới. Năm 2021, có 10 thị trường đạt trên 100 triệu USD, gồm Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Canada... Hai tháng đầu năm 2022, có 14 thị trường đạt trên 10 triệu USD.

    Trong những năm qua, ngành gỗ đã tạo ra nhiều việc làm, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2022, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ kỳ vọng vượt mốc 15,6 tỷ USD và tiếp tục xuất siêu lớn hơn năm 2021.

    Thiếu vùng nguyên liệu tập trung

    Một trong những thách thức lớn nhất của ngành gỗ là nguồn nguyên liệu đầu vào. Năm 2020, tổng nhu cầu gỗ cho chế biến khoảng 38,5 triệu m3 quy tròn, trong đó, nguồn nguyên liệu trong nước đáp ứng khoảng 30 triệu m3 (hơn 20 triệu m3 từ rừng trồng, gần 10 triệu m3 từ cây trồng phân tán và gỗ cao su); nhập khẩu khoảng 8,5 triệu m3.

    Ngành gỗ đang nhập khẩu nguyên liệu từ 28 thị trường chủ yếu. Nhập khẩu nguyên liệu chiếm tỷ trọng lớn dẫn đến một số hạn chế, như phụ thuộc về nguồn, về giá...

    Đề án Phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả giai đoạn 2021 - 2030 đã được Chính phủ phê duyệt đặt mục tiêu: đến năm 2025, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 20 tỷ USD, tiêu dùng nội địa đạt 5 tỷ USD; đến năm 2030, xuất khẩu đạt 25 tỷ USD, tiêu dùng nội địa đạt trên 6 tỷ USD. Như vậy, có thể thấy, nhu cầu nguồn nguyên liệu của ngành gỗ rất lớn.

    Sản lượng gỗ khai thác liên tục tăng, nhưng ngành gỗ thiếu vùng nguyên liệu tập trung. Ở trong nước, tổng diện tích rừng đạt hơn 14,677 triệu ha (rừng tự nhiên: 10,279 triệu ha; rừng trồng: gần 4,4 triệu ha), bao gồm 7,480 triệu ha rừng sản xuất; 5,257 triệu ha rừng phòng hộ, còn lại là rừng đặc dụng.

    Trong khi đó, ngành gỗ thuộc 6 nhóm ngành thực hiện trách nhiệm rủi ro theo Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), tới năm 2030 phải dừng việc sử dụng gỗ tự nhiên. Rừng trồng giao cho các hộ gia đình chủ yếu là gỗ nhỏ. Chưa kể, tình trạng cháy rừng, chặt phá rừng phổ biến.

    Để khắc phục vấn đề này, theo các chuyên gia, cần có cơ chế, chính sách đầu tư nguồn nguyên liệu ở trong nước, xây dựng chuỗi trồng rừng - sản xuất nguyên liệu trung gian - chế biến sâu. Đặc biệt, phải bảo vệ rừng, giảm thiểu cháy rừng; giám sát, xử lý nghiêm tình trạng chặt phá rừng; hỗ trợ lương thực cho người dân để ngăn chặn tình trạng phát nương làm rẫy, du canh, du cư… Cùng với đó, cần đóng dần cửa rừng tự nhiên; kiểm tra xử lý vi phạm xuất xứ hàng hóa; hỗ trợ doanh nghiệp nội địa.

    Ở đầu ra, song song với việc tập trung khai thác, phát triển các thị trường truyền thống, ngành gỗ cần mở rộng thị trường để tránh “bỏ trứng vào một giỏ”. Mặt khác, cần nâng cao năng lực sản xuất để đáp ứng nhu cầu nhập khẩu lô hàng lớn trong thời gian ngắn của các nhà nhập khẩu nước ngoài…

    Nguồn Báo Đầu Tư.

    Zalo
    Hotline