250 CÔNG NGHỆ GIỚI THIỆU TẠI SỰ KIỆN KẾT NỐI CUNG CẦU

250 CÔNG NGHỆ GIỚI THIỆU TẠI SỰ KIỆN KẾT NỐI CUNG CẦU

    Sự kiện với chủ đề "Kết nối công nghệ xanh, nông nghiệp sạch", do Bộ Khoa học Công nghệ chủ trì phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và UBND TP HCM tổ chức sáng 7/12 nhằm thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ cho doanh nghiệp tại Nam Bộ.

    Phát biểu tại lễ khai mạc, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt chia sẻ, đây là hoạt động giới thiệu các công nghệ mới của doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức khoa học công nghệ trong và ngoài nước. Các bên sẽ kết nối cung và cầu công nghệ theo nhu cầu của địa phương, vùng kinh tế với các đối tác trong nước và nước ngoài phục vụ ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ.

    Theo Bộ trưởng Đạt, hoạt động kết nối, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, đưa nhanh kết quả nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất và đời sống phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt là các doanh nghiệp ở khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ.

    Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại sự kiện Techconnect and Innovation Vietnam 2022, sáng 7/12. Ảnh: Hà An

    Tại khu vực triển lãm giới thiệu 250 sản phẩm công nghệ nông nghiệp giành được sự quan tâm của khách tham quan.

    Ông Trần Văn Dương, Giám đốc công ty Trường Thịnh (quận 7) giới thiệu máy gieo hạt tự hành, sản xuất trong nước tiết kiệm 20 - 30% giống so với gieo hình thức truyền thống.

    Ông cho biết, cơ cấu của máy cho phép rải giống mật độ đồng đều hơn và có thể tùy chỉnh giúp tiết kiệm giống. "Thời gian tới sẽ chuyển giao cho nông dân ứng dụng vào sản xuất", ông Dương nói. Máy có thể hoạt động 1,5 giờ cho một lần sạc pin với diện tích gieo 5 - 6 ha. Sản phẩm được lập trình phần mềm tự hoạt động theo đường line, người dùng điều khiển từ xa.

    Máy gieo hạt tự hành giới thiệu tại sự kiện. Ảnh: Hà An

    Với mục tiêu hướng tới nông nghiệp xanh, công ty Tuff (Bình Định) tạo ra các giá thể trồng rau từ 100% xơ dừa. Theo Nguyễn Thị Thanh Thảo, đại diện công ty, giá thể từ xơ dừa được ép và đóng thành khối, trọng lượng nhẹ, dễ dàng vận chuyển, giúp tiết kiệm chi phí. Khi đổ nước, giá thể xơ dừa có độ mềm, giúp người dùng dễ dàng trồng tất cả các loại rau, củ. Trong quá trình chăm sóc cây, việc tưới nước ít hơn so với trồng cây trên đất, dễ kiểm soát sâu bệnh hơn. "Xơ dừa có thể thay thế đất vì nó cung cấp dinh dưỡng cho cây. Người dùng có thể bổ sung thêm phân hay vi sinh theo từng loại cây trồng để cây sinh trưởng tốt hơn", Thảo nói.

    Xơ dừa ép thành khối làm giá thể trồng rau của doanh nghiệp tại triển lãm. Ảnh: Hà An

    Ngoài hoạt động triển lãm còn có các tọa đàm cung cấp thông tin công nghệ, nhu cầu, chuyên gia công nghệ, kết nối cung cầu công nghệ trực tuyến, trực tiếp cho doanh nghiệp, tổ chức cá nhân có nhu cầu; kết nối tài chính và công nghệ nhằm tư vấn hỗ trợ tham gia chương trình, dự án hỗ trợ, đầu tư cho đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo.

    Nguồn: Vnexpress

    Zalo
    Hotline