BAO BÌ TỰ HUỶ "CHỜ THỜI" Ở THỊ TRƯỜNG NỘI ĐỊA

BAO BÌ TỰ HUỶ "CHỜ THỜI" Ở THỊ TRƯỜNG NỘI ĐỊA

    Khi cả thị trường và chính sách đều còn quá nhiều bất lợi, con đường sống của bao bì tự hủy chỉ là “xuất ngoại” để tồn tại và “chờ thời” ở thị trường nội địa.

    Cả thị trường và chính sách đều còn quá nhiều bất lợi đối với sản phẩm bao bì tự hủy.

    Phải mất đến 400 năm để phân hủy hoàn toàn một chiếc túi ni lông loại thường trong điều kiện tự nhiên. TPHCM mỗi ngày đã tiêu thụ hơn 70 tấn túi ni lông.

    Rõ ràng, vấn đề ô nhiễm môi trường từ túi ni lông là một mối nguy có thật. Tuy nhiên, những doanh nghiệp sản xuất túi ni lông tự hủy thân thiện với môi trường lại gặp khó khăn khi bán hàng tại Việt Nam.

    Tự hủy: Tốt nhưng đắt

    Giá thành đang là rào cản khiến loại bao bì “xanh” nói trên chưa được dùng đại trà. Cụ thể, chi phí sản xuất túi ni lông tự hủy luôn cao hơn khoảng 30% so với túi ni lông thông thường. Lý do nằm ở chỗ sản phẩm này phụ thuộc phần lớn vào nguồn cung nước ngoài, từ máy móc công nghệ cho đến các chất phụ gia để sản xuất.

    Mặt khác, do túi ni lông loại thường vừa bền mà giá lại rẻ, thậm chí miễn phí, nên nhiều người tiêu dùng vẫn không muốn hoặc chưa sẵn sàng chuyển sang sử dụng bao bì tự hủy giá cao hơn.

    Biện pháp chế tài của Nhà nước cũng chưa đủ để buộc các doanh nghiệp sản xuất bao bì chuyển đổi hoàn toàn sang sản phẩm thân thiện với môi trường. Hiện tại, nhiều cơ sở sản xuất túi ni lông còn dùng nguyên liệu tái chế nhằm gia tăng khoảng cách giá cả so với bao bì tự hủy.

    Ðáng chú ý, theo Luật Thuế môi trường hiện hành, túi ni lông bị đánh thuế tới 150% mà không phân biệt giữa bao bì thông thường và bao bì tự hủy. Ðiều này khiến cho các doanh nghiệp sản xuất bao sản phẩm “xanh” càng gặp nhiều khó khăn.

    Hiện nay, chỉ những doanh nghiệp nào được cơ quan quản lý trao chứng nhận có sản phẩm thân thiện môi trường thì mới được miễn thuế bảo vệ môi trường. Nhưng cũng chỉ có số ít đơn vị nhận được chứng nhận đó, như Công ty Bao bì Vafaco hay Công ty Phúc Lê Gia.

    Theo một đề án của Chính phủ, đến năm 2020, Việt Nam sẽ giảm 65% khối lượng túi ni lông khó phân hủy sử dụng tại các siêu thị, trung tâm thương mại so với năm 2010, giảm 50% khối lượng túi ni lông khó phân hủy sử dụng tại các chợ dân sinh, thu gom và tái sử dụng 50% tổng số lượng chất thải túi ni lông khó phân hủy phát sinh trong sinh hoạt.

    Nhiều chuyên gia cho rằng đề án này sẽ khó thực hiện được, nếu không có các chính sách khuyến khích sản xuất và sử dụng bao bì tự hủy.

    Theo Công ty Bao bì Vafaco, sản phẩm tự hủy của họ phân phối cho thị trường bán lẻ hiện rất hạn chế. Một phần do sự chênh lệch giá thành. Nhưng vấn đề quan trọng nhất vẫn là do ý thức của người tiêu dùng.

    Bà Ngô Nguyễn Ngọc Thanh – PGĐ Quỹ Tái chế Chất thải TP.HCM cho biết trong thời gian qua, đơn vị này đã phát triển rất nhiều chương trình vận động tăng cường sử dụng những sản phẩm có lợi cho môi trường và giảm thiểu sử dụng túi ni lông. Tuy vậy, hiệu quả vẫn khó đạt như mong muốn.

    “Hiện đang có rất nhiều cơ sở sản xuất túi ni lông mà không hề đăng ký kinh doanh. Hay nói đúng hơn là trốn thuế nên giá bán sản phẩm bỏ cho tiểu thương, người buôn bán lẻ rất thấp. Do đó, các sản phẩm thân thiện môi trường cạnh tranh rất khó”, bà cho hay.

    Sống nhờ nước ngoài

    Có thể nói, túi ni lông thân thiện với môi trường gần như là “chết yểu” ở thị trường nội địa. Trên địa bàn TP.HCM, số doanh nghiệp tham gia sản xuất sản phẩm này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Và chỉ có duy nhất một đơn vị có thể bán được vào các hệ thống siêu thị. Số còn lại phải tìm đường xuất khẩu túi ni lông tự hủy của mình ra nước ngoài.

    Ví dụ, Công ty Alta Tân Bình dù đã cải tiến công nghệ để giảm giá thành bao bì tự hủy chỉ còn cao hơn 5 – 10% so với bao bì thông thường, nhưng thị trường của doanh nghiệp này chủ yếu vẫn là xuất khẩu, chiếm tỷ lệ khoảng 80%.

    Tương tự, các sản phẩm bao bì sản xuất từ bột bắp của Công ty Tiến Thành đã hiện diện tại Mỹ, Nhật, Đài Loan, Pháp… Còn tỷ lệ tiêu thụ tại thị trường Việt Nam vẫn còn ít do giá khá cao.

    Vì sao thị trường nước ngoài lại “hút hàng” bao bì tự hủy của Việt Nam? Bỏ qua thói quen và ý thức của người tiêu dùng, lý do lớn nhất là do bao bì tự hủy khi xuất khẩu không phải chịu mức thuế 150% như ở Việt Nam. Vì thế, sản phẩm có giá thành cạnh tranh được với các đối thủ ngoại.

    Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt cũng chuộng xuất khẩu hơn do thị trường trong nước còn chưa tách bạch giữa bao bì tự hủy và túi nhựa thông thường, cả về chính sách thuế lẫn quan điểm của các chuyên gia môi trường. Thực tế này dẫn đến việc tiêu chuẩn để doanh nghiệp được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn môi trường tại Việt Nam còn cao hơn cả tiêu chuẩn của nước ngoài.

    Khi cả thị trường và chính sách đều còn quá nhiều bất lợi đối với sản phẩm bao bì tự hủy, con đường sống của sản phẩm này chỉ là “xuất ngoại” để tồn tại và “chờ thời” ở thị trường nội địa.

    Nguồn : báo doanhnhansaigon

    Zalo
    Hotline